Anh Trịnh Ngọc Vũ (Đồng Nai) gặp tai nạn cuối tháng 9,ùngdađùivábànchânsautainạnlộxươdan tri đã khâu vết thương tại bệnh viện địa phương. Sau một tuần nằm viện, tình trạng chân ngày càng nặng. Anh đến Bệnh viện Tâm Anh TP HCM khám khi chân trái hoại tử, mất da diện rộng, nhất là da gan chân, lộ xương gót chân, vết thương nhiễm trùng rất nhiều.
Ngày 22/10, TS.BS Chế Đình Nghĩa, Đơn vị Vi phẫu Tạo hình Thẩm mỹ, cho biết người bệnh cần tạo hình che phủ vùng gót chân, tránh nguy cơ phải cắt bỏ bàn chân do hoại tử. Bác sĩ thực hiện vi phẫu tạo hình nhằm tái tạo, phục hồi chức năng thần kinh và thẩm mỹ cho các phần cơ thể tổn thương như nối các chi đứt lìa, che phủ các vết thương lộ xương...
Đầu tiên, bác sĩ cắt lọc vết thương, đặt hút áp lực âm nhằm loại bỏ tất cả tổ chức hoại tử. Sau đó, chuyển vạt da (bao gồm mô mềm, dây thần kinh và mạch máu) từ hai bên đùi về vùng gót chân. Cuối cùng, nối các dây thần kinh và mạch máu của vạt da vào dây thần kinh và mạch máu của gót chân để nuôi sống tổ chức da này.
"Đây là kỹ thuật rất phức tạp, đòi hỏi tay nghề bác sĩ cao và thiết bị máy móc hiện đại", bác sĩ Nghĩa nói.
Bác sĩ Nghĩa cho biết khi vết thương phức tạp, loại bỏ tổ chức hoại tử nhiễm trùng rất quan trọng. Chỉ cần còn một phần của tổ chức hoại tử sót lại, việc đắp vạt vi phẫu che phủ vết thương sẽ thất bại ngay lập tức. Phần xương gót chân lộ ra ngoài sẽ hoại tử dần, gần như không còn khả năng giữ lại bàn chân.
Thông thường, giai đoạn xử lý tổ chức nhiễm trùng có thể kéo dài đến hàng tháng, nhưng ê kíp làm sạch hoàn toàn vết thương và thực hiện vi phẫu chỉ trong 10 ngày. Đẩy nhanh tốc độ điều trị giúp tránh nguy cơ nhiễm trùng vết thương kéo dài, phát triển thành nhiễm trùng toàn thân, suy mòn cơ thể. Rút ngắn thời gian điều trị, tổ chức thương tổn càng mềm mại, càng dễ liền vết thương. Người bệnh tiết kiệm được thời gian và chi phí, giảm nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện...
Sau phẫu thuật, vạt da đùi thích nghi tốt với gót chân anh Vũ, không xuất hiện tình trạng đào thải hoặc nhiễm trùng. Người bệnh được xuất viện, chuẩn bị phẫu thuật ghép da cho các vết thương nhỏ khác.
Bác sĩ Nghĩa khuyến cáo dù phẫu thuật tạo hình có thể tái tạo hình dáng của chi bị tổn thương, đảm bảo tính thẩm mỹ nhưng không thể khôi phục nguyên dạng ban đầu chức năng của chi đó. Những trường hợp tổn thương nặng, phức tạp, mất mô mềm trên diện rộng cần đến ngay các cơ sở y tế có đơn vị vi phẫu tạo hình. Nếu kịp thời điều trị, có thể nối lại mạch máu bằng kỹ thuật vi phẫu cứu những vạt da tổn thương, đứt rời mà không cần thực hiện phẫu thuật tạo hình, bảo tồn toàn bộ chức năng chi thể.
Phi Hồng